Sớm nắm quyền lớn Tư_Mã_Đạo_Tử

Tư Mã Đạo Tử nguyên là con trai út của Tấn Giản Văn Đế Tư Mã Dục, vua thứ 12 của nhà Tấn, em trai của Tấn Hiếu Vũ Đế, vua thứ 13 của nhà Tấn. Do những người anh trước đó của ông đều mất sớm, nên Tư Mã Dục, lúc đó đang mang tước hiệu Cối Kê vương đã lấy tì nữ Lý Lăng Dung làm thiếp. Lý Lăng Dung hạ sinh Tư Mã Diệu (Tức Tấn Hiếu Vũ Đế) vào năm 363 và sang năm 364 thì hạ sinh Tư Mã Đạo Tử.

Năm 371, Tư Mã Dục được Hoàn Ôn lập làm vua, tức là Tấn Giản Văn Đế, Tư Mã Đạo Tử trở thành hoàng tử. Đến tháng 7 ÂL năm 372 (tức 12 tháng 9), Tư Mã Đạo Tử được ban tước hiệu Lang Nha vương và đồng thời được lãnh chức Cối Kê sử, trông coi công việc ở Cối Kê quốc[1].

Cùng năm 372, Tấn Giản Văn Đế băng hà, Tư Mã Diệu nối ngôi, trở thành Tấn Hiếu Vũ Đế. Những năm đầu thời Hiếu Vũ Đế, Tư Mã Đạo Tử được phong chức Tán kị thường thị và Trung quân tướng quân, sau được thăng làm Phiêu kị tướng quân. Sang tháng 6 năm 380, ông được mở phủ đệ và lĩnh chức Tư Đồ[2][3].

Tháng 9 năm 383, Tư Mã Đạo Tử được phong chức Lục thượng thư điều sự[4][5]. Như vậy, trong vòng hơn 10 năm từ 372 đến 383, Tư Mã Đạo Tử liên tục được thăng chức và dần nắm được quyền lực trong triều. Vào thời điểm đó, ông chỉ khoảng 20 tuổi. Nắm được nhiều quyền hành, Tư Mã Đạo Tử được nhiều người kính phục và đi theo. Do anh vợ của Vương Quốc Bảo có hiềm khích với cha vợ là Tạ An vì Tạ An không đề bạt mình, nên bỏ theo Tư Mã Đạo Tử và gièm pha Tạ An với ông[6]. Cuối cùng Đạo Tử biếm chức Tạ An, đày đi khỏi trấn.

Năm 385, Tạ An qua đời. Từ lúc này, Tư Mã Đạo Tử trở thành vị quan tối cao trong triều đình, được phong lên chức Thứ sử Dương châu, Lục Thượng thư sự, Giả tiết, Đô đốc trung ngoại chư quân sự. Các văn thần võ tướng dưới quyền Tạ An đều chuyển sang phục vụ Tư Mã Đạo Tử. Sang năm 387, ông lại được phong thêm chức Thứ sử Từ châu và làm Thái phó cho thái tử.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tư_Mã_Đạo_Tử https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...